Để đẩy mạnh xuất khẩu, chúng ta cần xây dựng ‘đại lộ’ cho hàng Việt vươn ra quốc tế thông qua việc đổi mới xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng số vào hoạt động này.
Đại dịch đã thúc đẩy hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến phát triển. Ảnh: T. Uyên
Kịp thời ứng dụng nền tảng số vào xúc tiến thương mại
Thực tế cho thấy, thời gian qua, các bộ, ngành chức năng cùng với các hiệp hội ngành hàng, cơ quan xúc tiến thương mại (XTTM) không ngừng đổi mới cách thức triển khai hoạt động, đa dạng hóa hình thức để nâng cao hiệu quả hoạt động XTTM, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát
Theo Bộ Công thương, từ năm 2016 đến nay, các hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về XTTM đã hỗ trợ trên 30.000 lượt doanh nghiệp (DN) giao dịch và ký kết các hợp đồng, với tổng giá trị đạt trên 14,8 tỷ USD.
Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, nước ta đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các nền tảng số vào XTTM và quảng bá thương hiệu theo hướng kết hợp trực tiếp và trực tuyến giúp DN tiếp cận đối tác, thị trường xuất khẩu có hiệu quả ngay tại “nhà”.
Có thể thấy, các hoạt động XTTM trực tuyến đã giúp DN xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí xúc tiến thương mại mà vẫn duy trì và phát triển tốt quan hệ với đối tác nước ngoài ở 55 thị trường, nhất là đối với các ngành hàng nhiều tiềm năng như dệt may, da giày, điện tử, vật tư y tế, bao bì,…
Đồng thời, huy động cả hệ thống tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc hỗ trợ các địa phương, bà con nông dân tiêu thụ nông sản kịp thời trong hoàn cảnh không thể thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại trên thực tế ở nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đã hỗ trợ và phối hợp với các địa phương như Bắc Giang, Sơn La, Phú Thọ, Hưng Yên, Yên Bái, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Cà Mau…tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm quảng bá và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản vào vụ. Đến nay, mô hình này đã trở thành hình thức XTTM – đầu tư mới, hiệu quả và lan tỏa ra hầu hết các địa phương, hiệp hội và DN trên cả nước.
Tiếp tục đổi mới để thích nghi với bối cảnh mới
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, XTTM là hoạt động được ưu tiên hàng đầu trong công tác của ngành Công thương năm 2021. “Trong năm nay sẽ đổi mới XTTM theo hướng có trọng tâm, trọng điểm một cách đa dạng, linh hoạt và xây dựng thương hiệu một cách bền vững. Đặc biệt sẽ có sự liên kết chặt chẽ thành một hệ sinh thái bền vững giữa DN xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng, tổ chức XTTM với nhà cung cấp dịch vụ chuyên ngành”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong Kế hoạch hoạt động XTTM giai đoạn 2020 – 2025, Bộ Công thương đã vạch ra 11 ngành hàng có tiềm năng phát triển xuất khẩu để được tập trung các hoạt động XTTM, trong đó có nhóm mặt hàng chủ lực là nông sản thực phẩm như thủy sản, trái cây, chè, cà phê; nhóm công nghiệp chế biến như dệt may, da giày và túi xách, đồ gỗ; nhóm ngành phần mềm…
Đồng thời, hiện chúng ta đang tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm các kênh thương mại mới, ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng thương mại điện tử nhằm xây dựng ‘đại lộ’ cho hàng Việt vươn ra thế giới, tăng cơ hội tiếp cận với khách hàng quốc tế.
Đáng chú ý, trong năm 2021, nhằm đổi mới công tác XTTM để thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hỗ trợ DN tận dung các cơ hội từ cuộc cách mạng này, Bộ Công thương sẽ đưa vào vận hành 5 ứng dụng, phần mềm bao gồm: Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung quản lý khách hàng (CRM); hệ sinh thái xúc tiến thương mại; cổng thông tin hướng dẫn xuất nhập khẩu hàng hoá; nền tảng đào tạo XTTM trực tuyến.
Theo các chuyên gia, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì DN cần chủ động tăng cường hoạt động XTTM trên môi trường trực tuyến, chủ động tìm hiểu thông tin các thị trường xuất khẩu. Song song với đó, trao đổi thông tin thường xuyên và kết nối chặt chẽ với hệ thống cơ quan thương vụ, trung tâm XTTM của Việt Nam ở nước ngoài để có thể tận dụng tối đa cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu./.
Nguồn: Tố Uyên – Thời báo tài chính Việt Nam