Home » AMRO dự báo khu vực ASEAN+3 tăng trưởng 6,7% trong năm 2021

AMRO dự báo khu vực ASEAN+3 tăng trưởng 6,7% trong năm 2021

Đăng bởi Doanh Nhân Trẻ Việt Nam

AREO 2021 dự báo nhóm nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 7,2% trong năm 2021, trong khi nhóm ASEAN được dự kiến tăng trưởng 4,9% trong năm nay.

Ngày 31/3, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã công bố Báo cáo Tầm nhìn Kinh tế Khu vực ASEAN+3 năm 2021 (AREO 2021), trong đó dự báo tăng trưởng của khu vực ASEAN+3 (bao gồm ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) sẽ ở mức 6,7% trong năm 2021 và 4,9% trong năm 2022.

Theo phóng viên của chúng tôi tại Singapore, ở cấp độ nhóm nhỏ hơn, AREO 2021 dự báo nhóm nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 7,2% trong năm 2021, trong khi nhóm ASEAN được dự kiến tăng trưởng 4,9% trong năm nay.

AMRO dự báo trong năm 2021, Myanmar sẽ là nước duy nhất suy giảm kinh tế, với mức giảm dự kiến là âm 2,6%, trong khi Trung Quốc sẽ đạt tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN+3 với mức tăng 8,7%.

Báo cáo của AMRO nhận định sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất chế tạo và xuất khẩu, cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách kinh tế tích cực được dự báo sẽ là yếu tố định hướng cho sự tăng trưởng của khu vực ASEAN+3.

Việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng trong khu vực cũng sẽ làm “bình thường hóa” hơn nữa các hoạt động kinh tế và cải thiện các điều kiện của thị trường lao động.

Trong khi đó, ngành du lịch trong khu vực từng bước hoạt động trở lại sẽ mang lại lợi ích cho hầu hết các nền kinh tế, đặc biệt là Campuchia, Nhật Bản, Singapore và Thái Lan.

Khu vực ASEAN+3 chiếm khoảng 30% dân số thế giới nhưng chỉ chiếm khoảng 3% số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu.

Báo cáo của AMRO cũng cho rằng các nền kinh tế khu vực ASEAN+3 đã thể hiện được sự phục hồi trước những tác động của đại dịch COVID-19 nhưng vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.

Các nước trong khu vực vẫn cần ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng thông qua hoạt động tiêm chủng trên diện rộng.

Theo nhà kinh tế trưởng Hoe Er Khor của AMRO, khi chính phủ các nước có nhiều kinh nghiệm hơn trong ứng phó với đại dịch thì những biện pháp mục tiêu mang tính quyết định, có hiệu quả và chủ động sẽ giúp các nền kinh tế hạn chế tối đa thiệt hại về người đồng thời cho phép hoạt động kinh tế tiếp tục diễn ra./.

Thế Vũ – Vietstock

Bài viết khác có thể bạn muốn xem

error: