Trong quá trình tìm hiểu, tôi nhận thấy, chủ doanh nghiệp hay nhà quản trị, để có thể phát triển bền vững, tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, cho dù doanh nghiệp đang trong thời kỳ thuận lợi hay khó khăn, thì việc tìm ra yếu tố cốt lõi trong kinh doanh, làm cho nhân viên trong công ty hiểu được các yếu tố đó mà triển khai vào công việc thực tế của mình là yếu tố rất quan trọng, để có thể phát triển doanh nghiệp.
Vậy bản chất của kinh doanh là gì?
1. Nếu hiểu về kinh doanh, bạn cần hiểu 4 yếu tố: khách hàng, giá thành, quy mô và lợi nhuận. Bạn cần có khả năng phán đoán và có thói quen tư duy, suy ngẫm nhiều về nó.
– Khách hàng: chúng ta cần quan tâm đến yếu tố giá trị mang lại cho khách hàng, nó không chỉ là một khái niệm, mà cần hình thành tư duy, thói quen, trở thành nguyên tắc, để mọi hành động trong kinh doanh đều hướng đến mục tiêu mang lại giá trị cho khách hàng.
– Giá thành: giá thành ở đây không phải là thấp nhất mà là hợp lý nhất, tính hợp lý của giá thành ở đây cần phải có yếu tố cạnh tranh.
– Quy mô: nhiều doanh nghiệp hay tập trung phát triển quy mô. Bản chất của quy mô là cạnh tranh, chứ không phải mang lại giá trị cho khách hàng. Quy mô lớn không phải là tốt mà hiệu quả mới là điều cần nhất
– Lợi nhuận: Nhiều doanh nghiệp quan tâm đến lợi nhuận, để khiến cho ông chủ trở nên giàu có và sống hưởng thụ. Nhưng để doanh nghiệp phát triển bền vững, lợi nhuận cần có gắn kết yếu tố nhân văn, đó là sự đóng góp của lợi nhuận cho người lao động, cho trách nhiệm xã hội và giải quyết các nhu cầu thiết yếu của khách hàng.
Hiểu được những điều đó, chúng ta sẽ thấy việc kinh doanh không có gì là quá khó và phức tạp. Chúng ta có thể biến những điều phức tạp thành đơn giản, làm cho nhân viên hiểu được bản chất của 4 yếu tố đó và vận dụng nó vào mọi công việc thực tế hàng ngày. Khi nỗ lực hành động, chúng ta sẽ có được thành quả và cảm giác của sự thành công. Công ty cũng vì thế mà có lợi nhuận và bền vững.
2. Quản lý là phục vụ mục tiêu kinh doanh, nếu hiểu một cách đơn giản nhất về kinh doanh và quản lý, thì có thể ví như: Kinh doanh là chọn đúng việc để làm và quản lý là làm đúng ( tốt, hiệu quả) việc đã chọn.
Đối với mỗi người quản lý, bạn có thể làm đúng việc, không quyết định đến quá trình bạn làm việc, mà quyết định chính ở việc bạn chọn đúng việc để làm. Bởi khi bạn đã chọn đúng việc thì việc bạn làm mới thực sự có ý nghĩa và phát huy giá trị của nó. Từ góc độ đó, cho thấy kinh doanh là điều quan trọng nhất và quản lý xếp ở vị trí thứ 2. Đó là lý do nhiều khi, tôi hay nói với nhân viên cấp dưới rằng, sếp ngồi văn phòng không quan trọng bằng nhân viên kinh doanh. Bởi vì, quản lý từ đầu đến cuối, chỉ để phục vụ cho mục tiêu kinh doanh.
Khi chúng ta lựa chọn chiến lược kinh doanh bán giá rẻ thì quản lý sẽ phải tập trung vào quản lý giá vốn và phát triển quy mô; nếu chúng ta lựa chọn kinh doanh “tiền nào của đấy” thì chúng ta phải tập trung vào chất lượng và thương hiệu. Và như vậy, quản lý làm gì phải do kinh doanh quyết định và điều quan trọng hơn là trình độ quản lý không được phép vượt trội hơn trình độ kinh doanh. Nếu chúng ta đào tạo về quản lý vượt trội hơn kinh doanh, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với thua lỗ và thất bại.
3.Dân gian mình có câu, kinh doanh như làm dâu trăm họ, nhiều người làm kinh doanh, nhất là kinh doanh dịch vụ thường than vãn khi nói về việc khó khăn hay chiều lòng khách hàng phức tạp nhường nào.
Và nếu chúng ta muốn học về kinh doanh, vào hiệu sách, có đến hàng trăm cuốn sách có thể đọc, mà chả thấy cuốn nào giống cuốn nào, chỉ thấy đề cao và khiến nó phức tạp thêm.
Vậy kinh doanh là gì vậy? đó được hiểu là dùng một thứ hữu hạn để làm hài lòng nhu cầu vô hạn, đây phải chăng là một nhiệm vụ bất khả thi? Nhưng nếu hiểu, kinh doanh là dùng một thứ luôn bị hạn chế, dùng mọi nỗ lực để biến nó thành giá trị gia tăng, rồi dùng giá trị gia tăng đó đi phục vụ nhu cầu vô hạn của khách hàng. Thực ra, ở giữa đó, tăng thêm một khâu, đó là làm ra giá trị gia tăng.
Bạn cần hiểu rằng, kinh doanh có một đặc trưng, đó là làm sản sinh ra giá trị gia tăng, như tạo ra một lực hấp dẫn hay sức ấn tượng, đó chính là giá trị của kinh doanh có thể tạo ra.
Nhân câu chuyện này, hi vọng chúng ta có thể hiểu rõ về bản chất của kinh doanh để tập trung vào công việc thực tế, sáng tạo ra thật nhiều các giá trị gia tăng, dùng những giá trị đó thỏa mãn các nhu cầu khách hàng và cống hiến cho xã hội nhiều hơn.
Nguồn
TS. Trần Nhuận Vinh – Tổng giám đốc Nam Phong Coffee, Quảng Ninh.
Chuyên ngành:
– Quản trị Chuỗi dịch vụ bán lẻ, Đại học Giao thông Thượng Hải, TQ.
– Quản trị du lịch, Đại học Thanh Hoa, TQ.
– Quản trị năng lượng sinh mệnh, Đại học Bắc Kinh,TQ.