Home » Dư nợ cho vay đầu tư bất động sản của ngân hàng tăng “phi mã”

Dư nợ cho vay đầu tư bất động sản của ngân hàng tăng “phi mã”

Đăng bởi Doanh Nhân Trẻ Việt Nam

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “Đến ngày 15/3, dư nợ cho vay bất động sản của ngân hàng tăng khoảng 2,13 %, đây là mức tăng nhanh so với tín dụng cho nền kinh tế nói chung”.
Thông tin trên được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nêu lên tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra tối nay (31/3), tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội.

Tại đây, báo giới đặt câu hỏi với Ngân hàng Nhà nước về kênh đầu tư cho vay đầu tư bất động sản trong bối cảnh giá bất động sản tăng và “sốt đất” diễn ra ở nhiều địa phương.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Vấn đề bất động sản gần đây tương đối nóng ở nhiều địa phương, giá đất cũng có xu hướng tăng lên. Có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong số đó là tình trạng các đối tượng cơ hội tung tin không chính xác dựa vào các chính sách điều hành hiện nay nhằm ăn chênh lệch.


“Tín dụng trong lĩnh vực bất động sản chúng tôi quản lý chặt chẽ. Sự chuyển dịch dòng tiền thị trường tiền tệ sang thị trường bất động sản là nội dung được quan tâm lớn của Ngân hàng Nhà nước và kiểm soát chặt chẽ các dấu hiệu” – ông Tú nói.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 15/3, dư nợ cho vay bất động sản của ngân hàng tăng khoảng 2,13 %.

“Đây là mức tăng nhanh so với tín dụng cho nền kinh tế nói chung, tuy nhiên không phải tất cả các ngân hàng mà chỉ tập trung ở 1 số ngân hàng nhất định” – ông Tú nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tú, ngân hàng kiểm soát hoạt động tín dụng cho các đối tượng kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư trong tương lai hiệu quả không cao. Đối với lĩnh vực tín dụng đầu tư giúp cho việc thanh khoản các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng như nhà ở thu nhập thấp, nhà ở giá rẻ vẫn được giao cho các ngân hàng thương mại quan tâm, triển khai.

Từ những dấu hiệu bất động sản tăng nóng, ông Tú cho biết thời gian tới Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục giám sát. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tín dụng thời gian tới là tiếp tục duy trì sự ổn định, đó là mục tiêu xuyên suốt. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý về tình hình thế giới gây ảnh hưởng, hoặc dòng vốn chuyển hướng đầu tư chứng khoán…

Trước đó, tại phiên họp thường trực Chính phủ chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ông Dũng nhấn mạnh tới nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.

“Một phần nguyên nhân do lãi suất ở mức thấp, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản, một phần do công tác quản lý đất đai, quy hoạch và việc “thổi giá” của đối tượng môi giới, tạo nên các cơn sốt đất, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý tới thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế. Tổng mức huy động vốn vào thị trường chứng khoán tăng cao, tuy nhiên, giá trị phát hành cổ phiếu giảm, cho thấy nguồn vốn vào thị trường không thực sự để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần chú trọng theo dõi sát diễn biến các thị trường trên, không để xảy ra tình trạng “bong bóng” thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Châu Như Quỳnh- Báo dân trí

Bài viết khác có thể bạn muốn xem

error: