Home » Khởi nghiệp trong thời suy thoái – lời khuyên từ 2 nhà sáng lập thành công

Khởi nghiệp trong thời suy thoái – lời khuyên từ 2 nhà sáng lập thành công

Đăng bởi Huyền Nguyễn

Nếu đủ quyết tâm và đang giải quyết vấn đề cho khách hàng, thì đó là tất cả những gì bạn cần, bất luận thị trường có ra sao đi nữa.

Katia Beauchamp và Jeff Lawson – hai nhà sáng lập đã khởi nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng tài chính cách đây hơn 10 năm

Jeff Lawson: Giải quyết đúng vấn đề của khách hàng

Trong bối cảnh hàng triệu người lao động mất việc và vô số doanh nghiệp chứng kiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, thời điểm hiện tại dường như không phải là lúc lý tưởng để khởi sự kinh doanh. Tuy nhiên, Jeff Lawson – nhà sáng lập, CEO của Twilio – một công ty chuyên cung cấp nền tảng giao tiếp bằng dịch vụ đám mây, lại không cho là như thế.

Vào một buổi tối tháng 9/2008, ngay trước thềm buổi họp cuối cùng giữa Twilio với những người suýt nữa đã trở thành nhà đầu tư đầu tiên của họ, Lehman Brothers đã sụp đổ. Cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra sau đó đã khiến tất cả mọi thỏa thuận mà Lawson và các đồng sự nỗ lực hàng tháng trời để thương lượng hoá ra ‘công cốc’. “Sau cả mùa hè gây quỹ, rốt cục chúng tôi chẳng đạt được gì cả”, Lawson nói. Dẫu vậy, nhà sáng lập của Twilio cho biết, hoàn cảnh khó khăn lúc đó không khiến anh nản lòng.

Ngẫm nghĩ lại chuyện đã qua, Lawson đúc kết: “Nếu bạn có quyết tâm và đang thực sự giải quyết vấn đề cho khách hàng, thì đó là tất cả những gì mà bạn cần, dù cho thị trường có ra sao đi nữa”.

Nhận định đại dịch Covid-19 khác hoàn toàn so với cuộc khủng hoảng tài chính của 10 năm trước, khi các gói kích thích từ chính phủ Mỹ lúc đó chỉ dừng ở mức hàng tỷ, chứ không phải hàng nghìn tỷ USD như hiện nay, Lawson cho rằng, bối cảnh hiện tại vẫn có thể là thời điểm thực sự thích hợp để khởi nghiệp.

Theo vị CEO, dù gặp khó khăn trong việc gây quỹ, song Twilio vẫn được thành lập với vỏn vẹn 30.000 USD tiền vốn vào năm 2008. Và, sau khi kết hôn được một tháng, Lawson đã đem tất cả quà cưới đổi thành tiền mặt để giúp công ty tiếp tục hoạt động.

Được biết, nền tảng giao tiếp của Twilio cho phép các công ty phát triển phần mềm thêm tính năng thoại, video và đánh văn bản vào máy tính để bàn, trang web hay chương trình trên thiết bị di động. Trong nhiều tháng đầu, doanh số của Twilio khá khiêm tốn, chủ yếu đến từ các khách hàng sớm thích ứng với nền tảng công nghệ mới này.

Song, chừng ấy thời gian bán hàng, kết hợp với việc công ty ngày càng có chỗ đứng trong cộng đồng phát triển phần mềm, là đã đủ để Twilio thuyết phục nhà đầu tư về tiềm năng của mình. Cụ thể, vào tháng 4/2009, Twilio đã gọi được 600.000 USD tiền vốn tại vòng hạt giống. Sau thành công tại vòng gọi vốn hạt giống, số người được các khách hàng của Twilio ‘rỉ tai’ cũng theo đó mà tăng lên, giúp cho công ty thực sự cất cánh vào tháng 6/2008. Và, sau năm đầu tiên hoạt động, doanh thu của Twilio vào khoảng 100.000 USD.

“Hãy đi theo khách hàng của bạn; chân lý kinh doanh nằm ở đó”, Lawson nói, và bổ sung rằng, dù khách hàng có đang phải giảm chi tiêu thì họ vẫn sẵn sàng để chi trả cho một dịch vụ có giá trị. “Đó cũng là một cách để khiến khách hàng trả tiền và giúp công ty duy trì hoạt động”, vị CEO nói.

Sau bước đầu gọi vốn thành công, Twilio tiếp tục thu hút được 263,8 triệu USD từ nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm như Bessemer Venture Partners, Redpoint Ventures và Salesforce Ventures. Hiện, công ty đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York, với doanh thu năm ngoái đạt 1,1 tỷ USD và giá trị vốn hóa thị trường ở mức 17,1 tỷ USD.

Katia Beauchamp: Khủng hoảng – cơ hội tuyển nhân sự tài năng với chi phí thấp

Theo Katia Beauchamp – Đồng sáng lập, CEO của Birchbox, một công ty dịch vụ làm đẹp có trụ sở tại New York, doanh nghiệp của cô cũng đã phải trải qua những thăng trầm tương tự, để rồi gặt hái thành công từ một thời điểm thành lập được cho là không tốt.

Tháng 9/2010 – một tháng sau khi cô và Hayley Barna đồng sáng lập Birchbox, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã lên đến 10%. Khi đó, cả hai đã có khoảng 100.000 USD tiền vốn huy động từ bạn bè và gia đình, nhưng việc không thể gọi vốn nhiều hơn đã khiến chiến lược marketing gặp nhiều khó khăn. Do đó, hai nhà sáng lập đã quyết định sẽ thuyết phục các khách hàng tiềm năng đăng ký vào một ‘danh sách chờ’ trong giai đoạn Birchbox thử nghiệm dịch vụ.

“Chúng tôi đương nhiên biết rất rõ, sẽ không có gì để đảm bảo chắc chắn rằng các khách hàng sẽ chuyển từ việc hứng thú với một sản phẩm nào đó sang thực sự trả tiền để sử dụng nó. Dẫu sơ sài, song ‘danh sách chờ’ dù gì vẫn có thể được xem là một trong những ‘chứng cớ’ giúp củng cố niềm tin nơi nhà đầu tư”, Beauchamp nói.

Ngoài ra, việc tuyển dụng nhân sự với nguồn tiền eo hẹp cũng là một trong những thách thức mà Beauchamp và đồng sự phải đối mặt khi đó. Tuy nhiên, đà suy thoái của nền kinh tế khi đó cũng tạo điều kiện cho Beauchamp tuyển dụng được những nhân viên kỹ thuật tài năng, vốn có mức lương trước đó khá cao và được nhiều nơi săn đón.

Bên cạnh đó, nữ CEO của Birchbox cũng gợi ý, nếu vẫn không thể trả đủ lương cho nhân viên, hãy cân nhắc mời họ làm cố vấn cho công ty hoặc thoả thuận cho họ mua cổ phần. Chia sẻ vời tờ Inc., Beauchamp cho biết, doanh thu của Birchbox từng lên đến 200 triệu USD vào năm 2016.

Khủng hoảng – thời cơ tốt để khởi nghiệp?

Đồng thời, theo doanh nhân người Mỹ Eric Ries – tác giả quyển sách bán chạy The Lean Startup, cuộc khủng hoảng gây ra bởi đại dịch Covid-19 ở thời điểm hiện tại cũng đang mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nhân.

Là một trong số những người tiên phong cho phong trào khởi nghiệp tinh gọn, Ries cho biết, nhiều trong số những công ty vĩ đại nhất trên thực tế đều sinh ra trong thời khủng hoảng. Đơn cử, những tên tuổi lớn như General Motors, IBM, Disney, Toyota và HP đều ra đời trong hoặc ngay trước thời kỳ suy thoái kinh tế của cuộc Đại Suy thoái (1930) hay Thế chiến thứ II.

“Cuộc khủng hoảng lần này rất đặc biệt, không chỉ vì mức độ nghiêm trọng của nó, mà còn bởi nó đã cho thấy sự yếu kém trong phương thức lãnh đạo truyền thống của nhiều tổ chức”, vị doanh nhân 41 tuổi nói. Sự yếu kém này là “điều tồi tệ với xã hội” hiện tại, nhưng đồng thời cũng là “cơ hội hết sức tuyệt vời” đối với các doanh nhân mới – những người sẽ lấp đầy các thiếu sót của phương thức lãnh đạo cũ.

Đối với những ai đang cân nhắc việc khởi nghiệp trong thời điểm này, điều kiện tiên quyết là phải tìm được cho bản thân ‘một ngôi sao Bắc Đẩu’, Lawson nói. Ngôi sao ấy chính là sứ mệnh cốt lõi và các khách hàng tiềm năng. Sau đó, hãy xác định xem bạn có đủ khả năng để phục vụ khách hàng của mình hay không. Nếu sản phẩm của bạn cho thấy sự thiết yếu đối với thị trường vào lúc này, thì dù có là một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng cũng sẽ không thể làm khó bạn.

Nguồn: Mai Thụy – Theo Doanh nhân Sài Gòn

Bài viết khác có thể bạn muốn xem

error: