Làm sao để tổ chức 3 tại chỗ hiệu quả? Làm sao để tiết kiệm chi phí trong dịch bệnh? Làm sao để giảm tần suất tiếp xúc và lây chéo?… Rất nhiều câu hỏi làm sao để tổ chức, sắp xếp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong dịch bệnh? Thế Giới Giấy đã triển khai 3 tại chỗ từ đầu tháng 6 vừa rồi, khi TPHCM chưa có quy định về doanh nghiệp phải đảm bảo 3 tại chỗ mới được hoạt động. Mấy ngày qua thấy nhiều doanh nghiệp lúng túng trong việc thực hiện 3 tại chỗ nên tôi chia sẻ một số kinh nghiệm dưới đây để mọi người tham khảo.
Đầu tiên
khối văn phòng rà soát lại hết để xem những vị trí nào có thể chuyển qua làm việc online thì cho ở nhà làm để đạt được 3 mục tiêu (1) Giãn, giảm mật độ người ở công ty; (2) Dồn lại lấy không gian; (3) Lấy không gian văn phòng trống vừa dồn được để làm khu ngủ nghỉ. Khu văn phòng an toàn, sạch sẽ, thoáng mát hơn sẽ làm giảm nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe tốt hơn sẽ có sức đề kháng tốt hơn để chống dịch. Việc này lợi hơn rất nhiều so với việc để công nhân phải ngủ trong nhà xưởng. Sử dụng nhà cont di động cũng là một giải pháp cho vấn đề này.
Thứ 2
đối với khu vực ăn uống nên chia theo từng nhóm, đảm bảo thực hiện 5K. Mỗi nhóm cách nhau khoảng 30 phút. Cứ sau khi mỗi nhóm ăn xong thì dọn dẹp, phun xịt khử khuẩn hết mới cho nhóm khác vào.
Thứ 3
Tất cả người, xe, phương tiện khi vào đến cổng bảo vệ 100% phải được phun, xịt khử khuẩn mới được vào trong khuôn viên công ty. Nhân viên giao hàng phải được trang bị những phương tiện bảo hộ tốt nhất.
Thứ 4
Dành ra một khu nhà kho riêng biệt để tập kết hàng hóa. Nhân viên kho cho tập kết những mặt hàng cần đi giao của ngày mai vào khu tập kết. Nhân viên giao hàng chỉ được lấy hàng ở khu tập kết này, tuyệt đối không đi vào trong kho xưởng. Hàng này nếu không giao hết thì vẫn để nguyên tại chỗ ngày khác giao, không nhập kho lại để tránh lây nhiễm chéo.
Thứ 5
Sau khi lên xe thì phun xịt khử khuẩn hàng hóa, xe và cả nhân viên giao hàng. Tới mỗi điểm giao hàng trước khi xuống hàng phải phun xịt khử khuẩn tiếp. Cứ như vậy, trước và sau mỗi điểm giao hàng sẽ khử khuẩn 1 lần.
Thứ 6
Tất cả phương tiện xe cộ của nhà cung cấp khi tới cổng bảo vệ phải được xịt khử khuẩn 100% rồi mới cho vào công ty. Khi vào công ty nhân viên của NCC ngồi yên trên xe, kéo kín cửa kính. Người của TGG sẽ tự xuống hàng, khi xuống hàng tiếp tục xịt khử khuẩn xong mới cho nhập kho.
Thứ 7
Đối với công nhân, cân đối và giảm tối đa số lượng để giảm mật độ và đủ chỗ ăn ở. Khi sản xuất 2 ca không chia theo tốp riêng biệt sẽ làm tăng nhân sự. Thay vào đó là sử dụng luật thay người như môn bóng đá để đảm bảo giờ giấc làm việc và sức khỏe cho họ. Ví dụ một ca có 11 người thì không nhất thiết phải có 22 nhân sự để làm 2 ca mà chỉ cần 16 người, cứ mỗi lần thay vào ca 4-6 người giống như đá bóng mỗi trận được thay 3-5 người, miễn sao lúc nào trên sân cũng đủ 11 người.
Thứ 8
Đối với khối văn phòng làm việc online cân đối lại khối lượng công việc khi sản lượng/ doanh số giảm sút để giảm giờ làm. Có thể là nghỉ luôn thứ 7, chủ nhật; ngày làm 3, 4, 5 tiếng/ làm nửa ngày thay vì làm ngày 8 tiếng như bình thường.
Thứ 9
Đối với những người cho nghỉ không đi làm (tạm gọi là nghỉ không lương) thì: (1) Công ty tạm ứng đủ 100% bảo hiểm (phần của doanh nghiệp và phần của người lao động) để đóng thay cho người lao động; (2) Công ty vẫn trả cho người lao động một khoản thu nhập để trang trải cuộc sống (tùy vào mức lương trong thời bình để phân bổ, nhưng tối thiểu cũng được dăm ba triệu/ tháng). Phần này hãy thương lượng với họ trả lại bằng một trong 2 cách:
Cách 1
khi hết dịch, mọi thứ trở lại bình thường sẽ đi làm thêm giờ để bù lại khoản tiền đã tạm ứng này.
Cách 2
khi hết dịch, công việc & thu nhập trở lại bình thường thì công ty sẽ cấn trừ lại mỗi tháng 300k, 500k, 1 triệu… cho đến khi đủ. Coi như hiện tại người lao động vay tiêu dùng cá nhân không lãi suất từ công ty.
Thực tế, trong bối cảnh dịch bệnh nhu cầu chi tiêu không nhiều, tháng vài triệu là đủ. Vì vậy, đừng bỏ rơi người lao động lúc này. Trước dịch công ty rất cần họ thì bây giờ họ cũng rất cần công việc. Trong hoàn cảnh hiện tại chắc người lao động cũng không đòi hỏi quá nhiều, không nỡ nhìn công ty teo tóp còn mình béo mập. Nhường cơm, sẻ áo doanh nghiệp và người lao động sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn.
Thứ 10
Rau quả, lương thực, thực phẩm có thể đặt cho các siêu thị, công ty thực phẩm họ giao tới cổng để ở cổng bảo vệ xịt khử khuẩn trước khi nhập vào công ty để không tiếp xúc với bên ngoài và nhà ăn cũng không phải ra ngoài mua đồ.
Thứ 11
Triệt để tiết kiệm. Tiết kiệm tối đa những gì có thể tiết kiệm được, đó có thể là 1 xô nước, 1 cái bóng đèn nhỏ.
Thứ 12
trang bị thêm wifi để những người làm việc 3 tại chỗ có thêm phương tiện giải trí sau giờ làm việc.
Toàn bộ những việc làm trên đây đương nhiên nó sẽ làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp nhưng không quá lớn so với hậu quả bị tạm ngưng hoạt động. Đối tác của chúng tôi bị buộc ngưng hoạt động 14 ngày vì có ca dương tính, vừa được mở ra 2 ngày lại có ca dương tính và bị niêm phong tiếp chỉ vì thực hiện các biện pháp phòng dịch không nghiêm. Như vậy thiệt hại sẽ rất lớn.
Còn việc làm sao để công nhân đồng ý ở lại nhà máy để làm việc thì không khó, phần lớn do bạn ăn ở, đối xử với họ thế nào thôi. Ở TGG mọi người luôn hăng hái và sẵn sàng chiến đấu.
Tất nhiên đây chỉ là những việc chúng tôi đang làm và ít nhất nó đang hiệu quả suốt 2 tháng vừa qua. Có thể nó phù hợp với Thế Giới Giấy nhưng không phù hợp với bạn. Chúng tôi cũng vừa làm vừa lo, vừa run và hy vọng mọi thứ nó vẫn lướt qua được mỗi ngày, làm tốt được ngày nào hay ngày đó. Nếu bạn có cách hay hơn thì hãy chia sẻ để tôi và cộng đồng có cơ hội được học hỏi để sống sót qua dịch nhé.
Good luck & have a nice day!
TÁC GIẢ: MAI QUỐC BÌNH
CEO & FOUNDER THẾ GIỚI GIẤY.