Xung quanh việc hỗ trợ từ Nhà nước cho các “chim đầu đàn” khi thực hiện Đề án Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, các chuyên gia của UNDP cho rằng, đối thoại giữa Chính phủ và doanh nghiệp là cần thiết
Viettel – một trong 7 doanh nghiệp nhà nước dự kiến phát triển để trở thành “cánh chim đầu đàn” của nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp tiếp cận “nhà nước hành xử như doanh nhân” trong việc cung cấp hỗ trợ là rất quan trọng.
Hỗ trợ các sản phẩm thuộc “công nghệ chu kỳ ngắn” trước
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn, dự thảo đề án đã đề xuất nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với DN thuộc các khu vực khác. Đồng thời, đề án trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN phát triển các hạ tầng nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai, với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số…
Trước câu hỏi của phóng viên TBTCVN về việc Chính phủ có nên hỗ trợ xây dựng các công ty “đầu đàn” này không và nếu có, thì nên hỗ trợ như thế nào, các chuyên gia từ UNDP Việt Nam dẫn lời từ ông Keun Lee – giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul và là tác giả của cuốn sách The Art of Economic Catch Up (tạm dịch là Nghệ thuật bắt kịp về kinh tế) lưu ý rằng, các công ty ở các nước đang phát triển phải đối mặt với rào cản về quyền sở hữu trí tuệ do các công ty đã có vị thế ở các quốc gia tiên tiến nắm giữ. Để vượt qua trở ngại này, các chính phủ nên hỗ trợ các công ty trong nước nỗ lực thâm nhập thị trường quốc tế bằng sản xuất các sản phẩm “công nghệ chu kỳ ngắn”, là những sản phẩm (ví dụ điện tử và viễn thông) không bị lệ thuộc vào chuỗi những bằng sáng chế và sáng tạo hiện có. Sau khi họ đã đạt được các kết quả về “công nghệ chu kỳ ngắn” và phát triển năng lực R&D (nghiên cứu và phát triển), lúc này chính phủ mới nên khuyến khích các công ty tham gia vào sản xuất các sản phẩm “công nghệ chu kỳ dài hạn” như dược phẩm.
Theo kinh tế gia của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) – TS. Jonathan Pincus và ông Nguyễn Tiên Phong, trợ lý Đại diện Thường trú UNDP Việt Nam, các nước đang phát triển thường có tương đối ít DN có năng lực R&D. Trong trường hợp này, trợ cấp/bao cấp cho các hoạt động R&D không mang lại kết quả như mong đợi. Trước tiên, có thể cần phải xây dựng năng lực công nghệ quốc gia thông qua các hình thức trực tiếp hơn, chẳng hạn như các mục tiêu công nghệ quốc gia tương tự như chiến dịch của Mỹ, nhằm đưa người lên Mặt Trăng vào những năm 1960, hoặc cuộc chạy đua toàn cầu vào năm 2020 để sản xuất vắc-xin chống Covid-19 hiệu quả. Cho dù do chính phủ, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu hay các công ty tư nhân thực hiện, việc đặt ra các mục tiêu tưởng chừng bất khả thi và đạt được chúng có thể thúc đẩy các năng lực công nghệ của quốc gia và cùng với nó là của các DN tiến lên rất nhanh.
Hỗ trợ đi kèm với kỷ luật
Đưa ra các kinh nghiệm quốc tế, hai chuyên gia của UNDP cho biết, các quốc gia thành công cũng cung cấp các bài học về cách tốt nhất mà các chính phủ có thể hỗ trợ DN. Nguyên tắc “cây gậy và củ cà rốt” được áp dụng: hỗ trợ các DN đi kèm với kỷ luật được đo lường bằng các chỉ số đơn giản như tăng trưởng xuất khẩu hoặc thị phần trên thị trường toàn cầu. Các chỉ số đơn giản như vậy là khách quan, dễ đo lường và dễ dùng để gắn trách nhiệm giải trình. Các chỉ số này có mối quan hệ chặt chẽ và nhất quán đến các chỉ số tăng trưởng năng suất và hiệu quả chi phí. Ở Hàn Quốc, các DN nhận được sự hỗ trợ của chính phủ cũng được yêu cầu mua nguyên vật liệu, hàng hóa trung gian và dịch vụ từ các DN khác trong nước, để xây dựng chuỗi giá trị nội địa – “đàn sếu” mà các DN lớn dẫn dắt.
- Jonathan Pincus và ông Nguyễn Tiên Phong cho rằng, đối thoại giữa chính phủ và DN là cần thiết, nhưng việc áp dụng phương pháp tiếp cận “nhà nước hành xử như doanh nhân” (entrepreneurial state) trong việc cung cấp hỗ trợ là rất quan trọng. Dựa trên mục tiêu chung của chính phủ và DN cũng như quan điểm chung “thành công của chính phủ chính là thành công của DN và của quốc gia trong việc bắt kịp với các cường quốc khác”, chính phủ ở nhiều quốc gia đầu tư mạnh mẽ vào R&D, xây dựng năng lực đổi mới cho DN và thúc đẩy việc chi tiêu cho R&D của các công ty. Chính phủ cũng đầu tư mạnh mẽ cho giai đoạn tiền thương mại hóa và thậm chí là trong giai đoạn thương mại hóa, chứ không chỉ coi việc đầu tư cho các giai đoạn này là của các quỹ đầu tư mạo hiểm hay “đầu tư thiên thần”, bởi vì trên thực tế, các nhà đầu tư này cũng rất ngại rủi ro.
Hai chuyên gia cho biết, trong những năm đầu công nghiệp hóa ở Hàn Quốc, chính phủ và các DN (bao gồm DN lớn và các DN khác trong chuỗi giá trị của họ) đã gặp nhau thường xuyên để phát triển các kế hoạch chung (với các hành động cụ thể của các cơ quan khác nhau của chính phủ và các DN), giám sát tiến độ, đưa ra và thực hiện các giải pháp cụ thể để đảm bảo việc đạt được các mục tiêu có hiệu quả. Trung Quốc đang thí điểm ý tưởng cho phép các nhà nghiên cứu tại các viện nghiên cứu của chính phủ có được quyền sử dụng lâu dài hoặc quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu. Điều này mang lại cho họ động lực rất lớn để tìm ra những phát hiện có giá trị thương mại và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu đó. Đây cũng là những bài học mà Việt Nam có thể tham khảo trong Đề án phát triển “chim đầu đàn” của mình.
Chính phủ có thể hỗ trợ đầu tư qua giáo dục đào tạo
“Các hiệp định thương mại và đầu tư thường có các điều khoản hạn chế chính phủ trong việc thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo là một chức năng của chính phủ mà được quốc tế chấp nhận rộng rãi. Đầu tư vào các trường đại học, trung tâm đào tạo, viện nghiên cứu và tạo động lực cho các DN trong nước hợp tác với các cơ sở này và trong các lĩnh vực được lựa chọn có thể thúc đẩy tăng trưởng, bắt kịp các doanh nghiệp toàn cầu và giảm bớt các rào cản trong việc đổi mới sáng tạo” – TS. Jonathan Pincus – chuyên gia của UNDP.
Nguồn: Hà My – Thời báo tài chính Việt Nam