Home » Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp

Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp

PTĐT – Từ một địa phương có nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, những năm qua, nhờ sử dụng đúng mục đích các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, cho hiệu quả kinh tế cao.

Việc thực hiện hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn đã được tỉnh triển khai từ nhiều năm nay, tuy nhiên, để việc hỗ trợ thực sự hiệu quả, tỉnh luôn quan tâm đến việc điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ cho phù hợp tình hình thực tế. Theo đó, Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành. Mục tiêu cốt lõi của Nghị quyết là tiếp tục hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, bền vững; thay đổi tư duy, nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; tập trung hỗ trợ vào những khâu khó, khâu mới trong quá trình thực hiện như: Ứng dụng công nghệ cao; sản xuất theo quy trình an toàn; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu; xúc tiến thương mại cho đến khi đạt được mục tiêu của chương trình, dự án.

Ông Trần Tú Anh-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết, lựa chọn, tập trung đầu tư hỗ trợ vào một số lĩnh vực, đó là sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ; phát triển cây bưởi; phát triển rừng sản xuất, trong đó tập trung hỗ trợ chuyển hóa rừng cây gỗ lớn, cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC); khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nguồn vốn hỗ trợ được trích từ ngân sách của Trung ương, của tỉnh, huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Là huyện miền núi, Yên Lập đã tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Ông Hoàng Văn Cường- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Lập trao đổi: Triển khai thực hiện Nghị quyết 05, huyện tiến hành rà soát, đăng ký diện tích chuyển hóa rừng cây gỗ lớn; đẩy mạnh việc liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa chất lượng cao J02; tập trung trồng mới diện tích cây bưởi và thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) cho diện tích bưởi thời kỳ kinh doanh. Trong năm 2020, huyện đã thực hiện trồng mới gần 46ha bưởi, trong đó có 24ha đủ diện tích được hỗ trợ, chuyển hóa 60ha rừng gỗ lớn; thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ trên diện tích 70ha lúa chất lượng cao J02…

Được biết, tổng kinh phí hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Lập trong năm đạt trên 930 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 780 triệu đồng; ngân sách huyện hỗ trợ 108 triệu đồng còn lại là ngân sách xã.

Chính sách hỗ trợ đã góp phần không nhỏ trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, làm thay đổi tư duy, tập quán canh tác của người nông dân, tạo cơ hội cho nông dân đổi mới hình thức tổ chức sản xuất từ quy mô nhỏ chuyển sang quy mô lớn có tính liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các vùng chuyên canh tập trung. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15/4/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; các Nghị quyết của HĐND tỉnh: Số 01/2016/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2016 về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020; số 05/2019/NQ-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2019 về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trong giai đoạn 2016-2019 đã có 77 xã, thị trấn của 8 huyện, gồm: Cẩm Khê, Lâm Thao, Thanh Thuỷ, Thanh Ba, Yên Lập, Tam Nông, Hạ Hoà, Thanh Sơn tổ chức triển khai công tác dồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai; tổng diện tích thực hiện dồn đổi là 4.801,61ha. Trong tổng số các địa phương thực hiện dồn đổi, có 17 xã trên địa bàn 5 huyện đạt tiêu chí để được hưởng chính sách với tổng diện tích 2.109,6ha, gồm: Yên Lập 76ha; Cẩm Khê 717,37ha; Thanh Thủy 84,12ha, Tam Nông 877ha; Thanh Ba 335ha.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai Nghị quyết, việc thực hiện các nội dung trong Điều khoản chuyển tiếp, cụ thể là việc hỗ trợ kinh phí đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính và cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn đổi vẫn chưa thực hiện được do các huyện chưa thực hiện xong, trong khi đã hết kỳ hạn được hỗ trợ (hạn đến ngày 30/6/2020). Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các địa phương và người dân được hưởng các quyền lợi hợp pháp khi tham gia thực hiện dồn đổi ruộng đất theo các chính sách tỉnh đã ban hành, kỳ họp lần thứ Mười một HĐND tỉnh khóa XVIII sẽ tiếp tục xem xét về thời hạn thực hiện nội dung hỗ trợ này.
                                                                                                        Phương Thảo – Báo Phú Thọ điện tử

You may also like

error: