Kinh doanh đâu phải trò đùa làm cho vui được chăng hay chớ? Làm thử nếu được thì nghỉ việc, không thì cứ tiếp tục kiếp làm thuê; Đi đâu, gặp ai cũng chào bán bấp chấp có nhu cầu hay không; Chưa biết đi từng bước nhưng muốn nhảy thật nhanh để rồi nhảy lầu… Kinh doanh nếu không rõ ràng, quyết liệt thì tiền mất tật mang, nợ nần chồng chất sống chui lủi là chuyện thường. Dưới đây là những sai lầm của các startup.
Sai lầm thứ 1: Việc kinh doanh làm công việc thứ 2.
Công việc làm thêm. Mình cứ đi làm công ăn lương, mở thêm công ty điều hành từ xa, tối về tranh thủ làm thêm, thích thì làm không thích thì nghỉ, nếu nó kha khá, sống ổn thì khi đó hãy nghỉ việc luôn. Nên nhớ, bất kỳ sự việc, vấn đề nào bạn dành cho nó bao nhiêu thì chỉ thu được đúng bấy nhiêu, không hơn không kém. Bạn hời hợt với nó thì kết quả thu được cũng hời hợt, bạn tạm bợ với nó thì nó cũng tạm bợ. Tôi biết là bạn vẫn chưa tin những gì tôi nói. Hãy nghiệm lại nhé. Bạn chơi với một đứa trẻ nhiệt tình nó sẽ nhiệt tình hơn cả bạn; Bạn hòa đồng với đồng nghiệp của mình thì đồng nghiệp sẽ hồ hởi gấp đôi bạn; Bạn dành 100% tâm huyết vào công việc đang làm, bạn sẽ nhận được 200% những gì bạn đang nhận. Nghiệm xong làm lại xem đúng không nhé!?
Sai lầm thứ 2: không hiểu rõ mình là ai?
Không nắm chắc về sản phẩm và đặc biệt không biết đối tượng khách hàng mục tiêu của mình nên gặp ai cũng chào bán, gặp ai cũng xông vào tiếp thị dẫn đến không chốt được đơn hàng => Chán => Bỏ cuộc.
Sai lầm thứ 3: Cái gì cũng có nhưng không có cái gì.
Cái gì cũng bán nhưng chẳng bán được cái gì. Sai lầm này đến từ 02 lý do (1) muốn mỗi thứ bán một chút để tăng nguồn thu, thu mỗi thứ một chút để trang trải chi phí. Nhưng rồi nói đến công ty bạn họ nhắc đến cái gì? Là tiệm tạp hóa? Là cái chợ hay một ổ tạp chủng?; (2) Tham. Thấy khách hàng có vẻ thương mến mình nên nghĩ mình bán cái gì khách cũng mua, cuối cùng bán hàng không am hiểu, không tư vấn cẩn thận, từ đó trở thành kẻ lừa đảo, mang tiếng đem con bỏ chợ. Nên nhớ, muốn bán được hàng, muốn thuyết phục được khách hàng tin tưởng và sử dụng sản phẩm của bạn thì bạn hãy là chuyên gia trong lĩnh vực của bạn đi đã.
Sai lầm thứ 4: SPAM.
Có nhiều người khi mở ra kinh doanh do sốt ruột, do nghĩ tất cả các mối quan hệ mình có sẽ có nhu cầu về sản phẩm/ dịch vụ của mình nên suốt ngày chào hàng, nhắn tin, gọi điện,comment dạo, thậm chí mời café để chào mời mua sản phẩm. Nên nhớ, hãy xem ai thật sự có nhu cầu về sản phẩm của bạn rồi hãy chào mời. Có nhiều người thì đăng bài bán hàng lên trang facebook cá nhân của mình mỗi ngày hàng chục tin không khác gì Mỹ ném bom B52 vào năm một ngàn chín trăm hồi đó. Tất cả những việc này là vô cùng phản cảm, biến startup của bạn thành một cty xả rác chính thống cả về nghĩa đen lẫn bóng.
Sai lầm thứ 5: chào mời bán cho người thân.
Bạn nên biết rằng trong các loại ngu suẩn thì bán hàng cho người thân là ngu nhất. Người thân thường có xu hướng ngại mua sản phẩm của bạn nếu như bạn chưa thuyết phục được “người dưng’’ mua sản phẩm của bạn vì 2 lý do (1) Vì bạn mới nên chưa biết chất lượng sản phẩm của bạn, mua xong nếu không tốt mà complaint thì ngại, không complaint thì tức; (2) Mua của bạn ngại trả giá, không trả giá thì sợ bị hớ, chi bằng cứ mua ngoài đường tha hồ mà trả giá. Hãy phục vụ cả thiên hạ đi rồi người thân sẽ thèm muốn sử dụng sản phẩm của bạn.
Sai lầm thứ 6: Phục vụ trọn gói khách hàng sẽ thích.
Tư duy này chỉ đúng khi bạn là một tập đoàn kinh doanh đa ngành, thương hiệu của bạn cực mạnh và được nhiều người yêu mến bạn tạo ra một hệ sinh thái đầy màu sắc cho khách hàng của mình. Bạn hãy tưởng tượng khi bạn sinh đẻ, có bệnh về răng hàm mặt, có bệnh về ung bướu thì bạn sẽ ưu tiên đến bệnh viện nào? Chắc chắn là đến bệnh viện chuyên khoa hoặc bệnh viện đa khoa nhưng có những chuyên khoa rất lớn trong đó. Chẳng đời nào bạn đến bệnh viện đa khoa bé xíu bệnh gì cũng chữa mà không giỏi bệnh nào. Nguồn thu chính của bệnh viện chắc chắn không đến từ khám qua loa này mà nó sẽ đến từ những người nằm viện điều trị lâu dài. Bạn không tin ah? Trên đời này không có doanh nghiệp nào lớn mạnh mà ăn rồi chỉ phục vụ mỗi khách hàng vãng lai hoặc khách hàng cả đời chỉ mua hàng một lần. Ap.ple, Sam.sung, Mic.rsoft, Goo.gle, Face.book, Thế Giới Di Động và thậm chí đâu đó cả Thế Giới Giấy đang sống được nhờ bán đi bán lại cho khách hàng mình nhiều lần nhưng rất chuyên sâu. Vì vậy bạn hãy tập trung, tập trung và tập trung một vài thứ mạnh nhất của bạn để làm cho khách hàng cảm thấy rưng rưng vì bạn rồi hãy đi bước tiếp theo nhé. Hãy từng bước, từng bước một chắc chắn rồi hãy chạy và nhảy. Đừng nhảy vội để rồi nhảy lầu nhé.
Chúc bạn thành công!
TÁC GIẢ: MAI QUỐC BÌNH
CEO & Founder tại THẾ GIỚI GIẤY & SACHI FARM