Home » Chính sách đặc thù hỗ trợ tái đàn lợn ở một số địa phương

Chính sách đặc thù hỗ trợ tái đàn lợn ở một số địa phương

Thực hiện chủ trương tái đàn, tăng đàn của Bộ NN&PTNT, nhiều tỉnh, TP trên cả nước đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp, trong đó quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng cho các cơ sở, hộ chăn nuôi phục hồi đàn lợn.

Tại Yên Bái, địa phương này chủ trương hỗ trợ 4 triệu/nái khi mua tái đàn. Tương tự mức hỗ trợ tại Vĩnh Phúc là 2 triệu đồng/nái; TP Hà Nội là 5 triệu/nái; Hưng Yên 1 triệu đồng/nái và 500.000 đồng cho mỗi cơ sở để mua vật tư, men vi sinh để phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Trong khi đó, tỉnh Ninh Bình đã có chương trình hỗ trợ lợn nái giống ngoại cho các trang trại để tái đàn, mức hỗ trợ 20% kinh phí mua giống; lợn nái ngoại, tương đương 2 triệu đồng/con để tái đàn lợn. Thanh Hóa và Thái Nguyên hỗ trợ 500.000 đồng cho mỗi con nái ông bà để khuyến khích sản xuất lợn bố mẹ cho sản xuất.

Tại Nghệ An, tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/cái hậu bị cấp ông bà, bố mẹ. Mức hỗ trợ bằng 50% số lượng nhập đàn và tối đa không quá 100.000.000 đồng/trang trại. Năm 2020, hỗ trợ khoảng 30.000 liều tinh phối giống cho đàn lợn nái trong nông hộ; hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi để tái đàn.

Chi 150 tỷ từ ngân sách, giao cho ngân hàng chính sách xã hội để cho người chăn nuôi vay không lãi suất 12 tháng là giải pháp của tỉnh Bình Phước. Trong khi Đồng Nai cũng quyết định hỗ trợ 60 trang trại, 622 hộ chăn nuôi và 49 tổ hợp tác chăn nuôi theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại Bình Dương, chính quyền hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ chăn nuôi tái đàn từ 20 con lợn trở lên, vay vốn ưu đãi xây chuồng trại ứng dụng công nghệ cao (bằng 70% giá trị với ưu đãi 3,85%/năm). Đến nay đã có 23 trang trại chăn nuôi tiếp cận được chính sách vay với tổng vốn đầu tư đã được duyệt vay và giải ngân trên 243,7 tỷ đồng.

Còn tại các tỉnh, TP: TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Trị, hiện cũng có chính sách tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn lợn, tăng đàn lợn, mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học; hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển trang trại chăn nuôi; Hỗ trợ xây dựng công trình xử lý chất thải cho trang trại, khu sản suất nông nghiệp tập trung.

Để thúc đẩy phục hồi đàn lợn, Bộ NN&PTNT tiếp tục đề nghị các tỉnh, TP tổ chức thực hiện Quyết định 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 – 2020; có chính sách về lãi suất tiền vay, chính sách về đất đai cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn, chăn nuôi an toàn sinh học theo chu kỳ sản xuất.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cho các cơ sở nuôi giữ giống, quản lý và sản xuất giống theo tháp giống. Tăng tỷ lệ chọn giống, nâng cao năng suất sinh sản của đàn nái hiện có, cũng như năng lực sản xuất giống tại chỗ để có con giống với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh.

Nguồn: Kinhtedothi

You may also like

error: