Home » Những lưu ý cho các bạn khi đặt bút lựa chọn ngành du lịch.

Những lưu ý cho các bạn khi đặt bút lựa chọn ngành du lịch.

by Nguyễn Sĩ Liêm
          Thế hệ Gen Z hôm nay có những lựa chọn nguyện vọng đại học ngày càng thiết thực hơn chúng tôi ngày xưa. Nhớ lại ngày ấy, cầm trên tay cuốn bảo bối cẩm nang “Tuyển sinh Đại Học” mà chẳng biết chọn ngành gì cho phù hợp. Công nghệ thông tin lúc đó cũng rất hạn chế. Các bạn của Tôi đều chọn các ngành nghề rất ổn định như sư phạm, y tá và mầm non.
          Chỉ mình Tôi chẳng có năng khiếu hay sở trường gì nên tích đại ngành du lịch với lý do là được đi học để ở ký túc xá và dời xa vòng tay của bố mẹ. Lúc đó Tôi chưa định hình được học du lịch sẽ học cái gì và sau ra làm gì? Chỉ nghĩ rằng cứ được đi học chuyên nghiệp là thích đã.

Chia sẻ của CEO Khanh Thi Travel

           Giai đoạn này, trước những diễn biến dịch bệnh Covid phức tạp trên cả nước, với chủng vi rút Delta có tốc độ lây lan nhanh, phức tạp và nguy hiểm. Trong những ngày gần đây liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới ngoài cộng đồng chưa xác định được nguồn lây nên Tp Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ Tướng Chính Phủ trong thời gian 15 ngày. Vì vậy không chỉ du lịch mà tất cả các ngành dịch vụ đều ảnh hưởng. Nhân giai đoạn này giãn cách xã hội có nhiều thời gian rảnh nên muốn viết một chút về đam mê và nhiệt huyết về một nghề đang là nguồn sống của hàng ngàn anh em đồng nghiệp. Trong đó có cả Tôi. Viết để trả lời cho câu hỏi: Làm du lịch là làm những gì? Các bạn trẻ muốn làm du lịch thì phải làm gì? Làm du lịch sướng hay khổ hả mẹ? Sinh viên du lịch cần phải làm gì trong giai đoạn Covid đầy khó khăn này?

Đầu tiên chúng ta cần hiểu du lịch là gì?

          Chỉ cần một cú click chuột sẽ cho bạn muôn vàn câu trả lời về du lịch là gì? Theo định nghĩa của Luật Du lịch Việt Nam thì du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người (cá nhân hoặc tập thể) đến những nơi không thuộc khu vực mình cư trú thường xuyên nhằm mục đích tham quan, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định (không bao gồm mục đích công việc). Hay nói theo ngôn ngữ của các tín đồ ưa dịch chuyển thì du lịch là đi từ nơi mình chán đến nơi người khác chán.

Ngành Du lịch gồm những nhóm ngành nào?

* Quản trị khách sạn.
* Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống.
* Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
* Việt Nam học.
* Quản trị kinh doanh du lịch.
* Quản trị chế biến món ăn/ Kỹ thuật chế biến món ăn/ Khoa học chế biến món ăn.

Công việc du lịch sẽ làm gì?

          Trong tưởng tượng thì du lịch là sẽ được vi vu khắp muôn nơi, check in chanh sả trong resort và rất sướng nhưng có một thực tế chúng ta cần hiểu rằng đây là ngành dịch vụ vô hình, nhiệm vụ của ta là phải phục vụ và làm hài lòng khách hàng.

Làm du lịch sướng hay khổ?

            Làm du lịch các bạn được vi vu khắp nơi. Đi để trải nghiệm sản phẩm, để viết bài quảng cáo và hiểu sản phẩm mình đang bán. Sau khi đi về mới tự tin tư vấn giới thiệu cho khách.
           Làm bạn được mở mang rất nhiều kiến thức. Bạn càng đi nhiều sẽ càng thấy mình còn rất nhiều thiếu sót và cần phải học hỏi. Du lịch là nghề dịch vụ, bạn sẽ có cơ hội hợp tác và phục vụ nhiều đối tượng khách rất lịch sự, văn minh. Nói chuyện với họ, bạn được mở mang kiến thức từ nhiều vùng đất khác trên thế giới. Bạn cởi mở, chân thành, họ cũng sẽ cởi mở và trở thành những người bạn tốt trong tương lai. Sẽ đến một lúc, bạn cảm thấy được hạnh phúc và vui vẻ khi thấy khách hàng có phản hồi tích cực và hài lòng. Càng ngày bạn sẽ càng tinh tế hơn, nắm bắt được nhu cầu của khách hàng. Bạn phải hiểu hơn về ẩm thực, văn hoá lịch sử, phương tiện đi lại, điểm check in đẹp nơi khách hàng đang trải nghiệm sản phẩm. Bạn phải có cách ứng xử phù hợp, biết để tạo sản phẩm tốt hơn cho khách.
           Bên cạnh đó, làm du lịch cũng rất vất vả. Vào các dịp lễ Tết khi mọi người đi du lịch và quây quần bên gia đình thì mình phải làm việc. Theo dõi hành trình của khách từ lúc khởi hành cho đến khi an toàn trở về nhà. Phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh ngay cả đêm khuya hay sáng sớm. Làm nghề du lịch cũng là một sự đánh đổi khá lớn. Khi lướt Facebook nhìn lũ bạn ăn chơi tụ tập với nhau. Thì một người làm du lịch có thể đang ngồi đâu đó bên chiếc laptop với cốc cafe nghiên cứu những hành trình mới lạ hấp dẫn hơn.
          Du lịch là một nghề mang lại niềm vui cho tất cả mọi người. Hành trình du lịch nào cũng cần một sự thoải mái vô tư trong suốt cuộc hành trình. Việc mang lại cho khách hàng sự thoải mái và vui vẻ có lẽ là một trong những việc khó khăn nhất mà những người làm du lịch phải làm.
           Làm du lịch không chỉ đưa chúng ta đi đây đi đó mà người làm nghề du lịch luôn phải sáng tạo làm mới bản thân qua mỗi chuyến đi. Họ luôn phải mang tới những hình ảnh tươi mới trong công việc của mình.
          Làm nghề du lịch là một nghề mang lại niềm vui cho tất cả mọi người. Hành trình du lịch nào cũng cần một sự thoải mái vô tư trong suốt cuộc hành trình. Việc mang lại cho khách hàng sự thoải mái và vui vẻ có lẽ là một trong những việc khó khăn nhất mà những người làm du lịch phải làm. Nếu chọn làm du lịch đồng nghĩa với việc bạn phải chịu được áp lực công việc. Biết kiềm chế và bình tĩnh giải quyết khi có những tình huống phát sinh.

Bạn có đang nhầm lẫn giữa người yêu du lịch và người làm du lịch?

           Người yêu du lịch là người thiên về cảm xúc, thích tự do và đôi khi chỉ là thích check-in thể hiện. Mình check in có nhiều like thì mấy hôm nữa mình lại check in tiếp thôi. Trong tháp nhu cầu Maslow trong Marketing thì tự thể hiện bản thân là nhu cầu cao nhất.
          Vậy còn người làm du lịch thì sao? Đây là công việc đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, khéo léo. Niềm nở với những khách đầu tiên, đến khách thứ 5000, 10000 thì vẫn phải niềm nở. Nụ cười luôn thường trực trên môi, dù mệt mỏi vẫn phải vui tươi. Nhiều khi khách hàng sẽ có những đòi hỏi vô lý cũng không được mắng khách hay tỏ thái độ.
           Đi làm khác với đi chơi, từ yêu du lịch đến làm du lịch sẽ khác nhau nhiều, cần cân nhắc kỹ. Bạn là người yêu du lịch, thích tự do vi vu, thiên về cảm xúc sẽ là trở ngại không nhỏ khi bạn chuyển qua làm ngành dịch vụ. Có rất nhiều bạn không chịu được áp lực công việc hay khó khăn trước mắt mà phải chuyển nghề.
          Để gắn bó lâu dài một công việc, ngoài sự hấp dẫn về lương thưởng thì vẫn cần có tình yêu và đam mê với nghề. Ngành du lịch rất mở, và cũng có nhiều đặc điểm hay ho khiến mọi người gắn bó lâu dài. Không dễ để tìm một ngành giúp ta có cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về thiên nhiên, lịch sử, văn hoá, con người như ngành du lịch. Không có nhiều ngành giúp chúng ta thoả mãn sở thích vi vu và có nhiều bạn bè khắp 5 châu như thế này.

Sinh viên du lịch cần làm gì trong giai đoạn dịch Covid này?

         Các bạn học ngành du lịch là hoàn toàn đúng đắn. Bởi khi Covid-19 kết thúc, ngành du lịch sẽ đối mặt với hiện thực là thiếu nguồn nhân lực trầm trọng.
        Nguyên do là ngành du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19. Khi tình trạng này kéo dài, nhiều nhân sự không kiên trì, đeo bám nổi, chán nản, bỏ nghề, đi làm nghề khác… Dù khi hết dịch, họ cũng đã có thu nhập ổn định từ nghề mới, sẽ khó lựa chọn quay lại nghề cũ. Còn các sinh viên ngành du lịch thời điểm này mới bắt đầu học thì phải 3 – 4 năm nữa mới tốt nghiệp. Khi các bạn ra trường là lúc có thuốc đặc trị Covid và dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Nghành du lịch được phục hồi, sẽ cần khối lượng nhân sự du lịch rất lớn để đáp ứng sự phát triển của ngành này. Vì vậy ngay bây giờ các bạn cần phải:

Bổ sung kiến thức còn thiếu và có nhiều trải nghiệm thực tiễn hơn.

Vào các trang tin tuyển dụng để tìm việc cộng tác như:

+ HotelJob.
+ Việc làm về Marketing Du Lịch.
+ Việc làm về khách sạn (VHRO).
+ Việc làm về khách sạn & lữ hành.
+ Việc làm về hướng dẫn viên, lữ hành.

Rèn luyện nhiều kỹ năng.

          Thường xuyên là rèn luyện kĩ năng và dành thời gian cập nhật, học hỏi không ngừng. Các kỹ năng mới áp dụng cho du lịch phù hợp hơn sẽ có nhu cầu cao hơn như nghệ thuật viết content du lịch, Digital Marketing, dựng video, kỹ thuật đồ họa, chuyển đổi số và áp dụng công nghệ 4.0.
Nếu các bạn có sự chuẩn bị và thích ứng tốt sẽ phù hợp với xu thế của thị trường lao động. Muốn học nhanh thì đăng ký đi học offline, còn tính tự giác cao có thể chủ động học online rất rẻ và đa dạng. Một số trang học online đa dạng kĩ năng nghề hiệu quả, nhiều khóa hay cho Marketing như:
+ Edumall (Đa dạng ngành nghề, chi phí chỉ tầm 300k/khóa).
+ Unica (ít hơn, cũng đa dạng).
+ Brand Camp (khóa về marketing của Brandsvietnam, nhiều khóa miễn phí đến vài trăm nghìn.
+ Youtube (free, quá đa dạng, quan trọng là chịu khó search và nghe).
+ Udemy (Siêu đa dạng, hợp lý, giá chỉ từ 12$/khóa)
+ Coursera
+ Edx
+ Linkedin Learning (Trước là Linda, nhiều khóa, thêm được certificate cho Linkedin cá nhân, tốt cho tuyển dụng)

Đam mê, kiên trì và yêu nghề hơn.

        Nếu bạn là sinh viên, đang thực tập hay được làm chính thức và vẫn được trả lương đều, hãy biết quý trọng công việc. Bởi vì giai đoạn này Sếp của bạn đang phải xoay sở và gồng mình để nuôi công ty và toàn bộ nhân viên.
Hãy trân trọng hơn các cơ hội thực tập để giúp công ty và cũng để giúp mình, bởi công việc để trải nghiệm về du lịch đang hạn chế hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Bởi để hiểu cơ bản về nghành du lịch ít nhất từ 6 tháng trở lên.

Luôn cập nhật thông tin của nghành du lịch.

Các nguồn thông tin chính thống về kế hoạch và chính sách.
+ Tổng cục Du lịch.
+ Tin tức thống kê.
+ Viện nghiên cứu du lịch
+ Các chương trình hội thảo, network trong ngành
+ Cộng đồng Marketing & Sale Việt Nam.
+ Câu lạc bộ lữ hành UNESCO.
+ Diễn Đàn Du Lịch Việt Nam (Vietnam Tourism Forum – VTF).
+ Hiệp hội Lữ hành Việt Nam
+ Hiệp hội khách sạn Việt Nam.
         Nghề nào cũng vậy, dù là viết review du lịch, tổ chức điều hành tour, sale du lịch, quản trị du lịch, quản trị khách sạn hay những bạn hướng dẫn viên đầy tâm huyết đều có những niềm vui riêng khi làm và theo đuổi nghề du lịch như này. Nhiều cái mới luôn ở trước mắt chúng ta. Nếu thực sự yêu thích du lịch và sẵn sàng vượt qua những khó khăn và thử thách thì Bạn hãy lựa chọn làm đồng nghiệp của Tôi nhé!

You may also like

error: