Làng Việt cổ Phú Lễ thuộc xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội được bao bọc bởi con sông Tịnh Giang hiền hòa gắn bó với người dân biết bao đời nay. Có một điều vô cùng độc đáo là người dân trong làng này từ già trẻ, gái trai không cần điểm phấn tô son mà lúc nào môi cũng đỏ thắm. Từ đầu làng đến cuối ngõ nhà nào cũng có hàng cau trước nhà thẳng tắp, quấn quanh là giàn trầu xanh ngắt.
Trong hành trình khám phá những miền văn hóa ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau ghé thăm một ngôi làng vô cùng độc đáo thuộc Xứ Đoài xưa, cách Hà Nội chỉ khoảng 30km các bạn nhé! Có một điều vô cùng độc đáo là người dân trong làng này từ già trẻ, gái trai không cần điểm phấn tô son mà lúc nào môi cũng đỏ thắm. Đó chính là làng Việt cổ Phú Lễ thuộc xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Đi dọc theo con đường với rất nhiều tường đá ong, chúng tôi đã đặt chân đến làng Phú Lễ, ngôi làng được bao bọc bởi con sông Tịnh Giang hiền hòa gắn bó với người dân biết bao đời nay. Quan sát chúng tôi thấy rất ngạc nhiên bởi vì từ đầu làng đến cuối ngõ nhà nào cũng có hàng cau trước nhà thẳng tắp, quấn quanh là giàn trầu xanh ngắt. Bởi thế mới thấy mọi người đặt cho làng cái tên “Làng môi hồng” quả không sai chút nào.
Hình ảnh cây cau vườn trầu trong vườn nhà người làng Phú Lễ
Các Cụ trong làng kể cho chúng tôi rằng: “Ngày xưa cả làng đều biết ăn trầu từ già trẻ gái trai không phân biệt nam nữ. Làng Phú Lễ tên gốc là Phú Hoa. Thời vua Thiệu Trị lên ngôi, mẹ vua là bà Từ Hoa Thái Hậu nên để không bị phạm húy tất cả những làng nào, người nào đều phải đổi tên. Làng Phú Lễ ra đời từ đó. Phú là nhiều còn Lễ là lễ nghi, lễ giáo và tập tục. Có lẽ tục ăn trầu vô cùng đặc sắc của ngôi làng này cũng bắt nguồn từ chính tên làng. Trong làng có rất nhiều dòng họ trong đó có họ Phùng, Kiều, Đặng và họ Nguyễn. Dòng họ lâu đời nhất trong làng là hơn 17 đời đều có tục ăn trầu rất lâu đời và cứ thế cha truyền con nối cho nhau”.
Miếng trầu là đầu câu chuyện nên khi đến làng Phú Lễ vào các dịp lễ tết bao giờ cũng được mời trầu xong rồi mới mời nước. Có rất nhiều ca dao tục ngữ về tục ăn trầu này:
“Xin mời ăn một miếng trầu
Ăn cho môi đỏ má hồng thắm tươi
Môi đỏ má hồng ấm áp thân thể
Môi đỏ mặn nồng quê hương…”
Người làng Phú Lễ ăn trầu hàng ngày nên không cầu kỳ hay bay bổng như trầu têm cánh phượng của người làng Kinh Bắc. Ăn trầu đã đi vào tiềm thức và thói quen sinh hoạt của người làng Phú Lễ. Nếp sống ấy cùng quả cau lá trầu là hiện hữu cho sự mến khách của ngôi làng này. Dù đang đi làm đồng, ngồi trò chuyện quán nước đầu làng hay ngồi chơi bên nhà hàng xóm đều có đĩa trầu và bình vôi làm quà. Được các cụ mời ăn một miếng trầu, Tôi liền thử và cảm nhận được sự hòa quyện vào nhau của miếng cau, lá trầu và vôi. Mới ăn Tôi thấy chút vị chát nhẹ của lá trầu xanh, vị cay nồng của miếng cau và vị mặn của vôi. Nhai lâu dần mới thấy được vị ngọt dịu nhẹ của trầu các bạn ạ. Một lúc sau sẽ thấy người mình ấm dần lên. Có khi nào Tôi lại bị nghiện trầu sau khi dời làng Phú Lễ không nhỉ? Người xưa nói có sai bao giờ:
“Tách riêng thì đắng thì cay
Hòa chung thì ngọt thì say lòng người
Hòa chung đỏ thắm tình người làng quê…”
Tục ăn trầu của làng Phú Lễ ngày nay vẫn còn giữ trong lễ cưới hỏi, ăn trầu trong ba ngày Tết hay tục mua cau trầu vào ngày Mùng 1 Tết. Người bán trầu muốn ban lộc đầu năm còn người mua không trả giá để mong may mắn cả năm. Hiện nay trong làng vẫn giữ tục lệ con gái mới đi lấy chồng phải làm cái lễ gồm thủ lợn và cau trầu mang về thắp hương, sau đó bố mẹ mang chia cho mọi người trong làng.
Hình ảnh các Cụ têm trầu trong những lễ ăn hỏi của làng Phú Lễ
Dạo quanh con đường trong làng Phú Lễ, các bạn sẽ thấy xen lẫn những hàng cau vườn trầu là những ngôi nhà đá ong cổ kính hay những bức tường đá ong đã nhuốm màu thời gian chạy dài theo những con ngõ của làng. Đá ong đặc biệt lắm các bạn ạ! Loại đá này thường mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông bởi đá ong được làm bằng đất có nhiều hoa đá, càng gắn càng bền chặt. Tường ghép mạch đá ong không hề sử dụng vôi vữa làm chất kết dính mà người ta thường sắp xếp hòn dưới lồi lên trên còn hòn trên đẽo lõm vào. Hai hòn chồng lên nhau nên có độ kết dính rất vững chắc. Đá ong càng dẫu dài nắng mưa thì càng trở nên rắn chắc. Trong làng hiện nay chỉ còn vài ngôi nhà cổ 5 gian có tường chát bằng mật và đánh bằng giấy giáp ta thôi. Những ngôi nhà cổ ấy như chứng nhân cho biến thiên của lịch sử. Có ngôi nhà có niên đại hơn 200 năm. Nó chứng kiến ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ người dân làng Phú Lễ lớn lên.
Cuộc sống của người dân làng Phú Lễ cứ trôi qua bình yên và hiền hòa như thế! Những hình ảnh quen thuộc như hàng cau giàn trầu, nhà cổ hay những tường đá ong trường tồn theo thời gian chỉ là vật vô tri nếu không được người dân làng Phú Lễ thổi hồn vào đó và trở thành hình ảnh đong đầy tình làng nghĩa xóm thân thương, tình quê của những con người mộc mạc chân chất qua những câu chuyện của bà của mẹ vẫn kể. Nó nhắc nhở cho những người già trong làng nhớ về một miền kí ức và là bài học cho lớp trẻ về một ngôi làng với rất nhiều phong tục đẹp cần được gìn giữ. Tạm biệt ngôi “Làng môi hồng” đầy lưu luyến, chúng ta tiếp tục khám phá những miền văn hóa trong những hành trình tiếp theo nhé!
Tác giả: Huyền Nguyễn – Khanh Thi Travel