Home » Kinh doanh xà phòng làm từ sữa bò tươi

Kinh doanh xà phòng làm từ sữa bò tươi

by Huyền Nguyễn

Nhóm bạn ở Việt Nam và Singapore thực hiện dự án làm xà phòng từ sữa bò tươi bằng phương pháp thủ công, nguyên liệu chọn lọc.

Là sinh viên năng động, mỗi ngày của Võ Thị Tình thường kín lịch với những buổi học trên lớp, họp nhóm, tham gia các dự án xã hội. Nhưng các buổi tối trong tuần cô đều dành thời gian cho những bánh xà phòng thủ công. Lúc thì tra cứu lại công thức, khi thì tìm hiểu thông tin trên mạng rồi “luyện” video hướng dẫn, có ngày ngồi thực hiện mấy tiếng đồng hồ để cho ra lò những bánh xà phòng “nóng hổi”.

Đã gần tròn một năm ngày cô sinh viên Đại học Kinh Tế TP HCM tham gia dự án này – khởi nguồn từ bài tập kết hợp với một trường ở Singapore. Nhưng bây giờ, Tình không xem đó chỉ là một trải nghiệm kinh doanh tùy hứng mà muốn theo đuổi lâu dài.

Trở về với phương pháp tắm cổ xưa

Cuộc sống hiện đại, các phòng nghiên cứu khắp nơi trên thế giới liên tục giới thiệu những sản phẩm phục vụ cho đời sống của công dân thế hệ mới. Nhưng Tình và các bạn của mình lại muốn đưa mọi người quay trở về cách tắm nguyên sơ bằng bánh xà phòng. Nguyên liệu được làm từ sữa bò tươi, qua các công đoạn thủ công, sản phẩm không có chất hóa học, an toàn, nhẹ nhàng và mềm mịn cho da.

Cách đây vài năm, bắt nguồn từ chương trình liên kết giữa các trường đại học, một nhóm sinh viên từ Singapore đã đến Củ Chi. Nhiệm vụ của họ là phải tìm hiểu thực tế, dựa trên những nguồn lực mình đang có mà tìm ra ý tưởng, giải pháp phù hợp và thiết thực giúp ích cho cộng đồng tại đây. Họ nhận thấy ở vùng đất ngoại thành TP HCM nguồn sữa bò rất dồi dào nhưng còn hạn chế trong khâu phân phối, giá cả bán từ đầu nguồn rất rẻ. Vài sinh viên quyết định thực hiện dự án làm xà phòng thủ công từ nguồn nguyên liệu này. Trải qua một số lần thay đổi nhân sự, đến nay dự án còn lại bốn thành viên tại Singapore, hai thành viên tại Việt Nam là Tình và bạn cùng trường Trần Vân Nhi.

“Ban đầu, nhiều lúc cũng lo không biết dự án có thành công hay không nhưng cứ nghĩ là đi theo sẽ học được các kỹ năng vận hành”, nữ sinh chuyên ngành Kinh doanh quốc tế chia sẻ.

Nhưng càng làm nhiều, đi sâu, Tình càng thấy mình thuộc về dự án này bởi không chỉ đơn thuần là kinh doanh sản phẩm tốt cho sức khỏe mà cô và cộng sự còn có thể giúp đỡ cho các hộ kinh doanh sữa bò tại Củ Chi.

Phòng Quản lý khoa học – Hợp tác quốc tế của Đại học Kinh tế cũng chủ động đề xuất giải pháp và đề cử chuyên viên Trần Cẩm Bình phụ trách về mảng dự án hợp tác quốc tế. Biết các bạn sinh viên còn thiếu nhiều kinh nghiệm, Bình thường tận dụng quỹ thời gian rảnh của mình để sát cánh với Tình và Nhi.

“Xà phòng handmade là sản phẩm không nhiều người dám làm và các bạn sinh viên tham gia dự án phải thật sự rất kiên trì và chịu khó”, Bình nhận định và cho biết đó là lý do thúc đẩy cô hỗ trợ cho các bạn trẻ nhiều đam mê, nhiệt huyết.

Công thức làm xà phòng được chuyển giao sau quá trình nguyên cứu từ các sinh viên ở Singapore. Ngoài ra, Tình còn tìm hiểu thêm thông tin từ Internet. Cách làm thủ công tiêu tốn gần một giờ đồng hồ để hoàn thành một bánh xà phòng lớn mà từ đó có thể cắt ra thành 10 bánh nhỏ để cung ứng cho thị trường. Quá trình khuấy khó nhất vì đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ và chịu khó khi thực hiện liên tục và đều tay, đồng thời trộn hỗn hợp các loại dầu thiên nhiên như dầu dừa, cọ hoặc hạt cải từ các nhà cung cấp uy tín ở Việt Nam và Malaysia. Tình và các bạn của mình trực tiếp dùng trà xanh, bột đất sét, than tre, cám gạo… để tạo ra màu tự nhiên dù thừa nhận sắc diện không tươi tắn bằng phẩm màu hóa học.

“Giai đoạn đầu chỉ lấy công làm lời, giữ mức độ kinh doanh không quá lớn vì muốn tập trung trước nhất vào chất lượng”, nữ sinh cho biết.

Hiện các sản phẩm của Fairé bán chủ yếu tại Singapore, do Tình và cộng sự trực tiếp thực hiện, thông qua đối tác là nơi bán hàng, khách sạn và trực tiếp tại các sự kiện cũng như qua website. Tại Việt Nam, lượng tiêu thụ mới ở mức sơ khai với những người thân, bạn bè và một số đối tác biết đến thương hiệu.

Khởi nghiệp không dễ dàng

Giá mỗi sản phẩm của Fairé hiện ở mức 12 SGD, đây là một trong những thách thức lớn của dự án, đặc biệt với các bạn sinh viên vốn chưa nhiều kinh nghiệm. Tình và Nhi đều đại diện cho thế hệ trẻ năng động khi thường xuyên trúng tuyển các chương trình giao lưu quốc tế và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên, việc kinh doanh thực tế thì lại là một chuyện khác. Lần đầu khởi nghiệp, cả hai đều bỡ ngỡ và vỡ ra nhiều bài học.

Với Tình, thời gian đầu cô gặp nhiều rào cản trong văn hóa giữa hai nước. Không bị động về mặt ngôn ngữ nhưng sự khác nhau trong suy nghĩ và cách làm việc khiến những cuộc tranh luận thường xuyên diễn ra. “Tuy nhiên, theo thời gian chúng tôi dần hiểu và có những cách giải quyết đúng hơn”, cô nói.

Trong thời gian này, cô gái trẻ cũng dần nhận thấy các bài học trên lớp phát huy tác dụng một cách tự nhiên mà không phải gò ép theo kiểu học thuộc lòng. Hai mảnh ghép trong cuộc đời của cô sinh viên phối trộn với nhau khiến Tình ngày càng say mê và không muốn phải đánh đổi một trong hai mà phải hoàn thành thật tốt mọi thứ.

Từ trái qua: Tình và Nhi – hai thành viên của dự án tại Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Còn Nhi sau hơn một tháng gia nhập đội ngũ Fairé bắt đầu chuyển từ trạng thái ban đầu là lo lắng cho Tình trong vai trò một người bạn thành lạc quan khi là một phần của dự án. Cô học được cách bước qua những ý kiến tiêu cực từ mọi người xung quanh vì khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trên hành trình ấy, Nhi liên tục phải đứng trước những lời nói và ánh mắt nghi ngờ từ bạn bè, người thân, hơn là những sự đồng cảm, lắng nghe và chia sẻ.

“Nhưng tôi dần nhận ra ý kiến của mọi người đôi khi hơi khó nghe nhưng cũng đáng để chọn lọc và tiếp thu, tất cả dạy cho tôi rằng phải làm việc chăm chỉ và cố gắng nhiều hơn chứ không phải lúc nào cũng chỉ nghĩ về một tương lai màu hồng”, cô đúc rút.

Đều là sinh viên năm cuối, Tình và Nhi bận rộn với nhiều kế hoạch nhưng họ chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ Fairé. Dự án đã không chỉ là một bài tập trải nghiệm mà đã trở thành con đường họ muốn theo đuổi lâu dài. Dù thừa nhận chưa thể dành 100% thời gian cho việc làm xà phòng thủ công, tiếp thị sản phẩm, họ không muốn dừng lại khi nhìn thấy giá trị mình có thể mang đến cho cộng đồng từ dự án. Một là cung cấp cho thị trường một lựa chọn thuần khiết trong phương pháp tắm, hai là giúp nông dân ở Củ Chi có đầu ra cho sản phẩm và tương lai là chuyển giao cách làm để họ tự thực hiện.

Từ xà phòng, Tình và cộng sự dự định mở rộng các sản phẩm khác về chăm sóc da và sức khỏe từ những nguồn cung sẵn có, nhắm đến những thị trường khác. Tất cả mới chỉ là giai đoạn đầu nhưng đã mang đến nhiều khó khăn và thách thức, song cả Tình và Nhi đều khẳng định “sẽ theo tới cùng, chứ không bỏ dở giữa chừng”.

Nguồn: Trương Sanh – Vnexpress

You may also like

error: