Home » Doanh nghiệp ngành thép: Cần những chính sách hỗ trợ bổ sung

Doanh nghiệp ngành thép: Cần những chính sách hỗ trợ bổ sung

Hiệp hội Thép Việt Nam tiếp tục đề xuất cơ quan Nhà nước nghiên cứu và tiếp tục kéo dài các chính sách hỗ trợ bổ sung các doanh nghiệp trong năm 2021.

Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến thị trường thép, đặc biệt, việc lưu thông hàng hóa, nguyên liệu cũng gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị co lại, nhu cầu về thép, giá cả sụt giảm mạnh. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ thép hai tháng đầu năm 2021 ước tính giảm đến 30% so với cùng kỳ năm 2020. Theo đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam, để đạt được mục tiêu tăng trưởng sản xuất khoảng 5% – 6% trong năm 2021, các doanh nghiệp rất cần các chính sách hỗ trợ bổ sung về các vấn đề như chính sách hỗ trợ tín dụng, giãn nợ, các chính sách ưu đãi về thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…

Trong năm 2020 chứng kiến những khó khăn của ngành thép do tác động của dịch bệnh và thị trường trầm lắng, có đến gần 50% số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) có doanh thu sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, các đơn vị này đã nhanh chóng có sự phục hồi và tăng tốc trong giai đoạn cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Tính chung trong năm 2020, sản xuất thép các loại đạt khoảng 24 triệu tấn (tăng 1% so năm 2019); tiêu thụ thép các loại đạt hơn 21 triệu tấn (giảm 0,9% so năm 2019). Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt gần 8 triệu tấn với trị giá đạt 4,19 tỷ USD đến hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới.

Trong năm 2021, cùng với nhu cầu về thép đối với cả thị trường thế giới, trong nước và giá thép đang có xu hướng tăng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thép có nhiều cơ hội bứt phá. Bên cạnh đó, các cơ hội từ hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA cũng được kỳ vọng thúc đẩy ngành thép sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới.

Cụ thể trong tháng 1/2021, sản lượng và tiêu thụ thép toàn cầu cho dấu hiệu phục hồi tích cực so với năm trước. Sản xuất thép thô cả nước đạt trên 1,7 triệu tấn, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng tới 50,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu thụ thép thô đạt 1,745 triệu tấn, tăng 8,5% so với tháng trước và tăng 61,6% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu thép thô là 253.686 tấn. Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2021, với những tín hiệu tích cực, xuất khẩu thép của Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ.

Theo báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và và hoạt động thương mại tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021 của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu sắt thép đạt 1,1 tỷ USD, tăng 71,9%. Đây được cho là tín hiệu đáng mừng đối với ngành thép Việt Nam.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, tuy chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép năm 2020 mặc dù có giảm nhưng cũng đã đạt mức tăng trưởng lần lượt là 2,7% và 1,4% so với cả năm 2019. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp thép để đóng góp vào mức tăng trưởng chung, đạt mục tiêu kép vừa đảm bảo kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.

Trong làn sóng của đại dịch Covid-19 lần thứ ba vừa qua, nhìn chung các doanh nghiệp ngành thép cũng đã chuẩn bị và có phương án ứng phó kịp thời với phương châm đồng hành, chia sẻ khó khăn gánh nặng với Nhà nước, cấp chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư tại các địa bàn đơn vị để đảm bảo duy trì sản xuất ổn định, an sinh xã hội.

Trong năm 2021, Việt Nam cũng sẽ có thêm nhiều cơ hội lớn khi các doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh việc đầu tư nhà xưởng, khu công nghiệp, kéo theo nhu cầu về thép xây dựng tăng theo. Ðồng thời, với các chính sách thu hút đầu tư hợp lý, nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài sẽ lựa chọn Việt Nam là nơi đặt các trung tâm, nhà máy sản xuất, góp phần thúc đẩy thị trường thép phát triển.

Mặc dù có nhiều thuận lợi trong những tháng đầu năm 2021 nhưng theo đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam, thời gian tới, ngành thép vẫn gặp vấn đề rủi ro từ giá nguyên liệu tăng đến sự cạnh tranh mạnh mẽ của nhiều thị trường trên thế giới. Bên cạnh đó, tâm lý lo ngại dịch Covid-19 cũng khiến thị trường thép, cơ khí ảm đạm, nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng. Để tháo gỡ khó khăn, Hiệp hội đã tiến hành nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, rất cần có những chính sách bổ sung để hỗ trợ các doanh nghiệp thép ổn định sản xuất. Theo đó, Hiệp hội tiếp tục đề xuất cơ quan Nhà nước nghiên cứu và tiếp tục kéo dài các chính sách hỗ trợ bổ sung các doanh nghiệp trong năm 2021 như: Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương đảm bảo mục tiêu kép là duy trì sản xuất và thông thương hàng hóa trong trường hợp địa phương có dịch hoặc thậm chí phong tỏa; Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng TMCP xem xét và ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng như: giãn và kéo dài thời gian các khoản nợ vay sắp đến hạn thanh toán; đồng thời giảm lãi suất giúp doanh nghiệp thép vượt qua giai đoạn khó khăn này; Bộ Tài chính xem xét chỉ đạo cho giãn thời gian nộp thuế và các khoản thu ngân sách của các doanh nghiệp thép để tránh gây áp lực thêm cho doanh nghiệp…

                                                   Nguyễn Minh – Thời báo ngân hàng

You may also like

error: