Trong hai năm qua, nhân sự trong ngành du lịch đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid 19, trong đó có hướng dẫn viên du lịch. Những người làm hướng dẫn viên du lịch đang có xu hướng chuyển hẳn sang ngành nghề mới hoặc phải xoay sở đủ nghề từ bán hàng online, bán bất động sản cho đến quay sang làm nghề shipper và bán đồ ăn vặt để đủ tiền trang trải cuộc sống.
Nhìn anh em hướng dẫn viên nhiều kinh nghiệm phải chuyển nghề như anh Tuấn (sinh năm 1986, ở Hà Nội), từng là một hướng dẫn viên có thẻ hướng dẫn viên quốc tế, anh tốt nghiệp đại học Hà Nội khoa Tiếng Anh, anh chuyên dẫn khách Âu tuyến Hà Nội – Hạ Long và từng có nguồn thu nhập rất ổn định. Ngày chưa có dịch Covid, anh thường xuyên đi cả tháng không có ngày nghỉ nên chỉ vài năm sau khi ra trường, anh Tuấn đã mua được đất, xây nhà 4 tầng khang trang ở Hà Nội. Qua trao đổi, anh Tuấn tâm sự: “Chưa bao giờ nghĩ mình có thể rơi vào hoàn cảnh khó khăn như thế này. Trong khi chờ du lịch phục hồi anh mua xe 4 chỗ chạy khách Hà Nội – Nội Bài, Thái Bình – Hà Nội đi khám bệnh và buôn bán thêm Hải sản Diêm Điền, Thái Bình”. Cũng giống như gần 30.000 hướng dẫn viên du lịch khác bạn Trường (sinh năm 1988, ở Thanh Hóa) là hướng dẫn viên nội địa nhiều năm kinh nghiệm, từng tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Việt Nam học – Đại học Sư Phạm Hà Nội đã phải xoay sở đủ cách để kiểm sống trong suốt 2 năm qua. Năm 2020, khi COVID-19 bùng phát đợt đầu tiên, dù lo lắng nhưng bạn Trường vẫn lạc quan. Bạn Trường cố gắng chi tiêu bằng tiền tiết kiệm trước đó. Sau đợt dịch đầu tiên, bạn Trường được đi làm lại và dẫn khách nội địa nhưng cũng được một thời gian thì dịch bùng trở lại. Khi dịch lần 2 bùng phát. Lúc này, bạn Trường không còn lạc quan để chờ đợi nữa. Hiện nay bạn đã cất tấm thẻ hướng dẫn viên đi để chuyển sang lĩnh vực thi công vách ngăn di động và chống thấm trong xây dựng để có thu nhập lo cho vợ và con gái. Tuy nhiên bạn vẫn nuôi hy vọng dịch sớm qua đi để quay lại với nghề du lịch. Tiếp tục dịch bùng phát đợt 3 rồi đợt 4 và đợt 5 này khiến bạn Trường tạm thời gạt bỏ tâm huyết với “Ngành công nghiệp không khói” vào thời điểm COVID-19 để chuyên tâm với nghề mới.
Hay như bạn Quỳnh Ly (sinh năm 1987, Bắc Kạn), một hướng dẫn viên chuyên dẫn khách nội địa cho hãng lữ hành Sài Gòn Tourist đã phải chuyển sang bán hàng online từ hơn nửa năm nay. Bạn Quỳnh Ly chia sẻ:”Mình chuyên bán những mặt hàng xách tay như: mỹ phẩm, nước hoa và túi xách. Mình bán cho các khách quen mình dẫn tour và khách online. Bạn mình giờ cũng có người kinh doanh online giống mình, người thì làm nhân viên order taobao, người thì chuyển qua bất động sản”.
Hiện tại, Việt Nam có 1,3 triệu lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch, 90% trong số đó đã phải nghỉ việc không lương hoặc chuyển sang làm việc tạm thời trong lĩnh vực khác. Thực tại cho chúng ta thấy, thật lãng phí cho nguồn nhân lực có kinh nghiệm và trình độ như hướng dẫn viên du lịch.
Trong thời điểm khó khăn này, những người lao động có tay nghề như hướng dẫn viên du lịch là một trong những đối tượng được hưởng hỗ trợ của Chính phủ với mức 3,7 triệu đồng/người. Hướng dẫn viên du lịch có nhu cầu hỗ trợ vui lòng gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Sở Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch là nơi cấp thẻ cho hướng dẫn viên du lịch. Thời gian tiếp nhận hồ sơ đến ngày 31/01/2022. Hồ sơ đề nghị theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 33 của Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Điều kiện được hỗ trợ phải có hợp đồng lao động ký với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn được Tổng cục Du lịch quy định là những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa được công bố trên trang web của Tổng cục Du lịch. Ngoài ra thẻ hướng dẫn viên du lịch phải còn thời hạn sử dụng tại thời điểm nộp hồ sơ. Tuy nhiên, Theo thống kê của Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam thì có đến 90% hướng dẫn viên du lịch sẽ không đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ này bởi hướng dẫn viên làm tự do, theo thời vụ và cộng tác nên thường không có hợp đồng lao động với các doanh nghiệp lữ hành.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH đã công bố số điện thoại đường dây nóng 0911.191.122 để giải đáp những thắc mắc của hướng dẫn viên du lịch.
Mong dịch sớm ổn định, mọi người được tiêm đầy đủ Vacxin để tạo miễn dịch trong cộng đồng và “Đề xuất thí điểm hộ chiếu Vacxin với khách du lịch Quốc Tế” được sớm triển khai để có thể đón nhiều lượt khách Quốc Tế đến Việt Nam du lịch sẽ phần nào giải quyết được những khó khăn cho hướng dẫn viên du lịch, để họ không phải mưu sinh đủ nghề để trang trải cuộc sống và nghành du lịch không mất đi nhiều nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm như hướng dẫn viên du lịch.